Bút ký từ miền đất võ (3)


BÚT LỬA

"Người ta bút mực bút chì
Dzũ Kha bút lửa khắc ghi thơ Hàn"

***

Xe đưa chúng tôi rời Bảo tàng Quang Trung đến với Ghềnh Ráng. Không biết tại sao người ta gọi nơi này là Ghềnh Ráng. Trong "cẩm nang du lịch" bỏ túi mà người ta mới phát cho, nó ghi thế này: "Thắng cảnh Ghềnh Ráng cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 2km về phía Đông Nam. Đây là thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia. Phong cảnh nơi đây còn khá hoang sơ với những bãi đá chạy dài, nước trong xanh và quần thể song thạch chạy sát biển tạo nên những khối đá, hang động đa hình dạng. Vì vậy từ năm 1927 Bảo Đại đã chọn Ghềnh Ráng làm nơi nghỉ dưỡng mỗi khi có dịp đến Quy Nhơn. Dưới chân Ghềnh Ráng có bãi trứng độc đáo với vô số đá được sóng biển mài nhẵn và một bãi tắm thoai thoải trải dài phía biển che chắn bởi những bức tường đá thiên nhiên. Là nơi từng dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu mỗi khi bà về đây nghỉ mát. Đứng từ trên sườn núi Ghềnh Ráng có thể ngắm nhìn bao quát toàn bộ phía đông của thành phố Quy Nhơn và xa hơn nữa là bán đảo Phương Mai với đầm Thị Nại trông giống như những con rồng được vẽ chưa hoàn chỉnh. Và bên cạnh sườn núi là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, một tên tuổi nổi tiếng trong làng thi ca Việt Nam".

***

Mộ Hàn Mặc Tử nằm ở trên đồi Thi Nhân. Đường lên mộ là dốc Mộng Cầm. Đứng bên mộ có thể nghe sóng biển rì rào vỗ những bờ đá. Phong cảnh đẹp. Không gian đẹp. Như những bài thơ tình.

***

Anh Trung, hướng dẫn viên của chúng tôi, chỉ vào một người đang cắm cúi bên những miếng gỗ, giới thiệu: "Ở đây người ta yêu mến gọi anh là Dzũ ca, mà nói lái thì..". Anh ngước lên, gật đầu chào. Không nói, chỉ mỉm cười. Rồi lại cắm cúi với những miếng gỗ. Anh là Dzũ Kha. 

Túp lều của Dzũ Kha nằm sát dưới chân mộ Hàn Mặc Tử. Lều nhỏ, nhưng thơ thì bao la. Khoảng 90% là thơ Hàn. Ngày ngày, Dzũ Kha vẽ tranh, họa thơ Hàn. Ngày ngày, Dzũ Kha sưu tầm bút tích, giới thiệu thân thế sự nghiệp của Hàn cho khách thập phương. 

Thơ Hàn được Dzũ Kha họa lên gỗ. Viết bằng cây bút lửa. Đó là một đoạn dây thép được đốt nóng bằng điện có thể làm cháy bề mặt gỗ. Nghe thiên hạ đồn Dzũ Kha còn luyện thành công phép viết bút lửa trên giấy nữa. Ra đợt này không thấy anh biểu diễn. Nhưng nếu đúng vậy, quả là hảo công phu! 

Dzũ Kha

Dzũ Kha tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM. Nhìn lãng tử và lập dị. Anh chừng 50 tuổi đời, nhưng nghe nói đã có gần 30 năm sống bên mộ Hàn Mặc Tử. Si mê thơ Hàn đến độ như Dzũ đại ca, thật đáng bái phục! 

***

Một số hình ảnh ở Quy Nhơn:

Túp lều thơ

Giao thời (1)

Giao thời (2)

Giao thời (3)


3 nhận xét:

Mẹ của Tí Ti nói...

Cứ như ảnh nghệ thuật.

Congaco_H1R5 nói...

Khoảng hơn 10 năm trước , khi đi Đà lạt , vào khu chợ cũng hay thấy các nghệ nhận dùng bút lửa vẽ lên gỗ , có thể đó là hộp bút , 1 bức tranh ...
Dạo này hiếm thấy những cảnh như thế nữa mytrangnguyen à .
Bút lửa viết lên gỗ thông có lẻ dễ hơn chứ
tại Quy nhơn , Dzũ Kha không biết viết thơ bằng bút lửa trên gỗ gì nhỉ ?

Nguyễn Bảo Điền nói...

Gỗ thông anh Gà ạ. Cái miếng gỗ có câu "Thuyền ai đậu bến..." là do em mua về từ lều của Dzũ Kha.

Đăng nhận xét