Bút ký từ miền đất võ (1)



HẦM HÔ

"Cổ Bàn non nước còn thiêng mãi
Có thuở Hầm Hô cá hóa rồng"


Trước đây tôi từng đặt chân đến mảnh đất Quy Nhơn - Bình Định vài lần, nhưng lần nào cũng là những chuyến đi mây về gió theo những trận banh. Hy vọng lần này sẽ là một chuyến du ngoạn đúng nghĩa để khám phá miền đất võ.

7 giờ 30 phút ngày 2-7-2010, chiếc Airbus 320 chở chúng tôi đáp xuống sân bay Phù Cát. Đón chúng tôi là một người đàn ông trung niên, ăn nói hoạt bát và niềm nở. Anh tự giới thiệu là Trung, giám đốc lữ hành của Công ty du lịch miền Trung nhận nhiệm vụ làm hướng dẫn viên trên chuyến xe của chúng tôi. Từ Phù Cát, xe đưa chúng tôi trực chỉ huyện Tây Sơn.
Nhìn từ máy bay, con sông Côn trơ ra những cồn cát
Vượt một chặng đường chừng 30km, đoàn chúng tôi dừng chân ăn điểm tâm tại nhà hàng Trầu Cau ở thị trấn Phú Phong. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân xuống  vùng đất Phú Phong chính là cái nóng. Những hàng cây không mảy may lay động. Con sông Côn trơ ra những cồn cát khổng lồ như muốn nuốt chửng cái dòng chảy yếu ớt mỏng manh. Các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn cộng với cái nắng nóng gay gắt ở miền Trung đã lấy đi ở con sông này một nguồn sống đáng kể. 

Theo hướng tây nam, chúng tôi lại lên đường đến xã Tây Phú. Điểm dừng sắp tới của chúng tôi là thắng cảnh Hầm Hô. 

"Bản giao hưởng của non và nước"

Mới nghe tên gọi, tôi cứ ngỡ Hầm Hô là một cái... hầm. Nhưng thực ra đó là suối Hầm Hô. Trong Non nước Bình Định, nhà thơ Quách Tấn giải thích: “Hầm Hô thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Hai ngọn nguồn của sông Đá Hàng, một từ vùng Núi Bà Cương, An Tượng chảy lên, một từ Đồng Le chảy ra, đến Đồng Giang hợp lại chảy ra Đồng Hươu rồi chảy thẳng ra sông Côn. Từ Đồng Giang đến Đồng Hươu gọi là Suối Hầm Hô"... 
Chiếc thuyền con ngược dòng đến với Hầm Hô
Tại sao lại có tên gọi Hầm Hô? Anh Trung, hướng dẫn viên của chúng tôi cho biết "hầm" ở đây có nghĩa là những hầm nước do đá núi tạo thành, còn "hô" có nghĩa là "hô phong hoán vũ". Chuyện kể rằng vào thời xa xưa, hằng năm đến thời kỳ hạn hán, trên đoạn sông này vào ban đêm thường có những âm thanh kỳ lạ nổi lên như tiếng người cùng nhau hô hoán. Sau đó không lâu, trời chuyển mưa giông.

Còn theo giải thích của các nhà khoa học thì đây chỉ là hiện tượng tự nhiên. Do Hầm Hô là hạ lưu của sông, nước chảy uốn khúc theo hai vách núi dày đặc cây rừng và đá nên nhiệt độ luôn thấp hơn lưu vực đồng bằng. Giai đoạn chuyển mưa tạo nên những luồng không khí lạnh tràn về hạ lưu. Khi qua Hầm Hô gặp địa hình cây rừng cùng hang hốc của đá núi đã tạo nên âm thanh vang dội. Có lẽ vì thế mà người Bình Định đã yêu mến gọi Hầm Hô bằng mỹ từ "bản giao hưởng của non và nước"! 
Hoang sơ mà hùng vĩ

Đường đi bằng ngựa hay bằng thuyền?

Xe dừng ở cổng khu du lịch. Trước khi lên suối Hầm Hô, anh Trung cho biết chúng tôi có hai lựa chọn. Một, nếu đi bằng đường bộ, đã có những chiếc xe ngựa. Ngồi trên xe, chúng tôi có thể vừa thỏa thích ngắm khung cảnh hoang sơ hai bên đường, vừa nghe tiếng chân ngựa lạch cạch vui tai. Hai, nếu đi bằng đường thủy, đã có những chiếc thuyền đợi sẵn. Chúng tôi chọn cách thứ hai. 

 
Đá hoa cương dựng thành muôn hình vạn dáng
Chia ra từng nhóm 8 người ngồi lọt thỏm trên những chiếc thuyền bé xíu, chúng tôi chèo ngược con nước đến với Hầm Hô. Chiếc thuyền con nhẹ nhàng lướt đi. Ven bờ, những bụi cây lòa xòa phủ xuống một màu xanh. Đâu đó tiếng chim rừng trong trẻo hòa âm theo những mái chèo khẽ khàng khua sóng nước. 

Vượt hơn nửa cây số trong đường hầm xanh mướt, Hầm Hô hiện ra trước mắt chúng tôi như những hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên. Nước suối róc rách chảy quanh những tảng được thiên nhiên dựng thành muôn hình vạn dáng. Bình thường, mặt nước ở Hầm Hô trong vắt, có thể nhìn rõ từng đàn cá tung tăng bên dưới. Nhưng người lái đò bảo chúng tôi rằng hôm trước trời có mưa nhẹ, nên nước đã bớt trong xanh. 
 Lưu niệm ở Hầm Hô
Hầm Hô có rất nhiều cá. Anh Trung kể rằng vào mùa mưa, cá từ sông Côn lội ngược dòng lên đây để sinh đẻ. Cá "bay" từng đàn lên thác Hầm Hô, vì thế nơi này còn có tên gọi là "thác Cá Bay" hay "thác Vũ Môn". Câu thơ "có thuở Hầm Hô cá hóa rồng" cũng từ đó mà nên...

Xem bài 3: Bút lửa

(P/S: Tí Ti xin giới thiệu đây là "bút ký" của ba Tí Ti, tức là lấy cây bút ký lên í mà, viết sau chuyến đi Bình Định vừa rồi). 

3 nhận xét:

Congaco_H1R5 nói...

Viết 1 cái còm rõ dài nhưng bị lỗi gì đó hư mất tiếu .
Blogger mấy ngày nay hay bị thế đó bố của Tí ti ơi .
May mà minh2 để chế độ báo vào email nên vẫn đọc được chứ xem trên blog thì trắng trơn dù nó có báo là có vài comments

Nguyễn Bảo Điền nói...

Blogger đôi lúc bị chập chờn lắm bác Gà ạ. Có khi cả buổi không thể vô được trang web.

Mẹ của Tí Ti nói...

Phần 2 đâu rồi ba Tí Ti?

Đăng nhận xét